Á sừng hay viêm da tiếp xúc là một triệu chứng bệnh rất đáng lo ngại, gây đau đớn và mất thẩm mỹ, đặc biệt là vào mùa đông.
Biểu hiện đầu tiên rõ nhất của á sừng mà hầu hết mọi người thường có là động vào xà phòng, nước rửa bát, thậm chí nước là có dấu hiệu da bong tróc mà không hiểu vì sao.
Á sừng là một dạng của viêm da cơ địa, triệu chứng này khá phổ biến trong các loại viêm da. Người bị á sừng sẽ bị khô nứt và bong ra ở ngón tay, chân và gót chân, nếu không chữa dứt điểm thì bệnh rất hay tái phát thậm chí còn lan rộng ra gây đau đớn và rất mất thẩm mỹ.
Nguyên nhân chủ yếu là do di truyền hoặc do cơ địa dị ứng, một số trường hợp do môi trường tiếp xúc nhiều với hóa chất như nội trợ, thợ làm tóc, công nhân làm viêc tiếp xúc với nhiều hóa chất…. Mùa đông khi thời tiết lạnh và hanh khô là môi trường thuận lợi để bệnh á sừng xuất hiện. Biểu hiện thấy rõ nhất ở hầu hết những người bị á sừng là có triệu chứng dị ứng hay bong tróc da mỗi khi tiếp xúc với dầu gội, nước rửa bát, bột giặt, hóa mỹ phẩm, thậm chí khói thuốc…
Khi bệnh nhân bị á sừng không chữa trị dứt điểm và kịp thời, khu vực da bị á sừng còn có khả năng lan rộng, gây nứt, toác da, chảy máu, da bong vảy, sưng đỏ, mưng tấy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cầm nắm và rất gây đau đớn.
Theo các chuyên gia da liễu, khi các bệnh nhân có biểu hiện ban đầu của bệnh á sừng cần thăm khám ngay bác sĩ da liễu để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân các loại thuốc bôi bạt sừng, tạo sừng như a-xít salixilic, diprosalic, betnovat. Trường hợp bị nhiếm khuẩn phụ, bác sĩ sẽ còn cần phải kết hợp với thuốc kháng sinh tác động ngay tại vùng da bệnh hoặc toàn thân; nếu kết quả trên da có cả nấm thì cũng phải dùng thêm các loại thuốc bôi chống nấm như mỡ nizoral, dẫn xuất imidazol, griseofulvin. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn thậm chí phải dùng corticoid, kháng histamin để chữa dứt điểm bệnh.
Để phòng tránh cũng như trong trường hợp đã bị á sừng dù nặng hay nhẹ, nhất là vào mùa đông, người bệnh cần đặc biệt lưu ý những điều sau để tránh cho á sừng lan rộng:
1- Hạn chế mức tối đa việc tiếp xúc với các loại hóa chất, trong trường hợp bắt buộc phải dùng thì cần đeo găng tay cao su để tránh chạm trực tiếp.
2- Luôn giữ cho vùng da bị á sừng khô ráo, sạch sẽ để hạn chế cho vùng da này bị lở loét thêm và vi khuẩn dễ lan rộng hơn.
3- Không kỳ hay chà xát mạnh vào vùng da bị tổn thương.
4- Bổ sung thêm nhiều vitamin trong rau quả như cà chua, đu đủ, các loại quả có múi… Kiêng các loại nóng, cay như hải sản, ớt…
5- Giữ vệ sinh tay chân thường xuyên, tích cực dưỡng ẩm cho vùng da này, tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý đến thành phần của chất dưỡng ẩm để tránh gây kích ứng da làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, nếu cần thiết cũng có thể xin ý kiến bác sỹ về loại dưỡng ẩm đặc biệt cho người á sừng.